Câu chuyện lạm dụng sách Self-help

1001 TÂM THƯ 

Cuộc Thi HÃY NÓI LÊN You Speak We Listen do Thực tập sinh Ei LEADER INTERNSHIP EDUTOUR tổ chức. Các chuyên gia Kỹ năng sống và Hướng nghiệp trải nghiệm của EDUTOUR cũng dành tặng những lời nhắn nhủ yêu thương và sâu sắc đến từng bài thi của các thí sinh.

Bài viết cũng đã được đăng tải và nhận được sự động viên, ủng hộ của các thành viên group HÃY NÓI LÊN You Speak We Listen.

EDUTOUR trân trọng gởi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức cuộc thi, các trường, các cộng đồng, các bạn đọc đã đồng hành cùng cuộc thi thật tuyệt vời.

Xem thêm Danh sách thí sinh đạt giải.

● Bài chia sẻ từ bạn Huyền Trân,

Năm 12 tuổi, tôi rất ghét việc đọc sách vì sách chỉ toàn chữ là chữ (khó đọc muốn chết). Nào ngờ quyển sách “XYZ” (lúc bố tôi mua đôi giày và được tặng kèm quyển sách) đã thay đổi nhận thức của tôi sau bao nhiêu tháng quẳng một xó trong nhà. Nó đã giúp suy nghĩ tôi trở nên chững chạc và trưởng thành hơn, tôi biết tới khó khăn về cuộc sống của người lớn, tôi biết bản thân cần phải nỗ lực hơn, tôi biết đây là khoảng thời gian để cố gắng học tập, trau dồi kỹ năng chứ không thể rong chơi mãi như vậy.

Và ngày càng trở về sau tôi chỉ thích sách self help. Tôi tâm niệm những thứ trong sách là đúng, đó là những điều có thật do tác giả và những người xung quanh tác giả trải qua. Còn các quyển tiểu thuyết hay các loại tản văn là không hay, không tốt, nó chỉ là câu chuyện bình thường của tác giả mà thôi, khi đọc chả học được gì cả. Và lâu lâu tôi lại cứ lên tiki mua sách self help vì thấy nhiều người đánh giá tốt mà lại ít quan tâm nó có phù hợp với tôi hay không.Các năm tiếp theo vì nghĩ đọc sách là tốt (ai cũng nói vậy) nên tôi mua rất nhiều sách self help về đọc, nhưng nó không giúp được gì cho tôi ngay tại thời điểm đó cả.

Rồi vào một ngày của ba năm sau, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, tôi tham gia nhiều hội nhóm về đọc sách chỉ bởi tôi thích đọc và muốn xem cách mọi người nhìn nhận về sách như thế nào, và tôi dần biết bản thân mình đã lạm dụng sách self help.

Đọc một số bài trên mạng xã hội tôi mới nhận ra sách self help thật sự không tốt như tôi nghĩ. Luôn nghĩ những quyển sách đó đã cứu sống đời mình, hướng mình tới điều tích cực hơn nhưng không hẳn.Bản thân giờ mới biết có những quyển sách (sau này mình mua) chứa rất ít thông tin mình cần mà nó chỉ là những lời khuyên từ tác giả khi họ ra trường, đi làm, mà sách mình đọc tác giả còn là người nước khác (môi trường, con người, gia đình, hoàn cảnh họ khác mình rất nhiều, nên kiến thức họ đưa cho mình chưa chắc được áp dụng đúng trên người mình).

Khi đọc luôn thấy quyển sách đó thật hay và tốt, nhưng nào ngờ khi đủ kiến thức để nhìn nhận thì nó chính là thứ khiến cho tâm hồn mình được an ủi và mong biết trước mọi thứ sẽ làm mình tài giỏi giống hoặc hơn họ.

Nhưng bản thân lại không suy nghĩ đến quá trình thực hiện, mà chỉ nghĩ tới lúc thành công.

Tôi thấy mình như kiểu bị chìm đắm trong suy nghĩ: Nếu thực hiện đúng như lời sách nói thì mình sẽ thành công hơn và là một người tài giỏi. Đọc nhiều sách self help còn khiến suy nghĩ mình bị rập khuôn, khiến phong cách viết văn không được tự do, thoải mái bay lượn, mà cứ theo một khuôn mẫu, lúc nào cũng khô khan và không thoát ra được.

Đó là những trải nghiệm của bản thân tôi đúc kết được sau ba năm đọc sách self help. Sách self help không phải không tốt, chỉ là mình chưa biết chọn đúng quyển sách cho bản thân để học hỏi, mình không biết nhìn nhận lại những thông tin mà tác giả đưa, cứ đinh ninh điều đó là hoàn toàn đúng.

Nhưng không biết rằng, sách thì cũng có sách này, sách nọ. Sách self help cũng giống một con dao hai lưỡi vậy. Nó vừa có mặt tốt vừa có mặt chưa tốt. Vì thế, trước khi đọc quyển sách nào cũng phải tìm hiểu thật kĩ, biết chắt lọc ra những thông tin phù hợp để áp dụng chứ đừng tin 100% các kiến thức trong sách, phải biết phản biện để đưa ra cho mình những phán đoán đúng nhất.

Hiện tại, tôi vẫn đang tìm kiếm một vài quyển sách hay nhưng là của dòng khác chứ không phải sách self help nữa để có cái nhìn tích cực hơn về các loại sách. Cảm ơn cuộc thi và mọi người đã lắng nghe lời chia sẻ của em về những sai lầm mà bản thân em mắc phải khi đọc sách.

Cảm ơn rất nhiều

Đôi lời nhắn nhủ từ Edutour

Thật thú vị khi chúng mình đọc được những chia sẻ này của Huyền Trân. Và chúc mừng bạn đã nhận ra được tính hai mặt của việc đọc sách.

Như bạn đã chia sẻ, đọc sách giúp cho suy nghĩ chúng ta trở nên sâu sắc hơn, trưởng thành hơn, thông qua việc hiểu nhiều hơn về bức tranh muôn màu của cuộc sống. Chúng ta nhờ đó cũng thay đổi tích cực hơn, nỗ lực hơn trong học tập và rèn luyện để phát triển.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể rơi vào tình huống đọc sách để trốn tránh, để suy nghĩ thôi vướng bận vào những vấn đề khó khăn mà mình đang gặp phải, “là thứ khiến cho tâm hồn mình được an ủi và mong biết trước mọi thứ sẽ làm mình tài giỏi giống hoặc hơn họ” như bạn đã nêu. Khi đọc sách với mong muốn thoát khỏi thực tế bất như ý, hoặc với suy nghĩ chỉ tập trung vào thành công như sách nói mà quên đi tính khả thi, quá trình thực hiện, chúng ta sẽ dễ bị rập khuôn và sáo rỗng.

Và, sách phản ảnh một phần lớn về suy nghĩ, nhận định riêng của tác giả, thông qua kiến thức, nền văn hóa, trải nghiệm mà tác giả đã tích lũy được.

Sách là công cụ học tập, nghiên cứu và giảng dạy tuyệt vời để phát triển trí tuệ, cảm xúc, trí tưởng tượng bay xa. Đọc sách còn giúp rèn luyện khả năng tập trung, kiên trì, khám phá, học hỏi và phát triển.

Điều quan trọng là cần có nhận thức rõ ràng, tư duy phản biện, kết hợp cả IQ và EQ để hiểu được bài học hay, mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề hay câu chuyện được đề cập trong quyển sách, và không chỉ sách mà còn ở tất cả những loại hình khác như phim ảnh, thơ ca, nhạc, hội họa,…

Chúc bạn tiếp tục lấp đầy những trải nghiệm và kiến thức tuyệt vời từ việc đọc sách và mở rộng bản thân đến những loại hình phong phú khác.