Hãy giỏi theo cách của Chính Mình

1001 TÂM THƯ 

Cuộc Thi HÃY NÓI LÊN You Speak We Listen do Thực tập sinh Ei LEADER INTERNSHIP EDUTOUR tổ chức. Các chuyên gia Kỹ năng sống và Hướng nghiệp trải nghiệm của EDUTOUR cũng dành tặng những lời nhắn nhủ yêu thương và sâu sắc đến từng bài thi của các thí sinh.

Bài viết cũng đã được đăng tải và nhận được sự động viên, ủng hộ của các thành viên group HÃY NÓI LÊN You Speak We Listen.

EDUTOUR trân trọng gởi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức cuộc thi, các trường, các cộng đồng, các bạn đọc đã đồng hành cùng cuộc thi thật tuyệt vời.

Xem thêm Danh sách thí sinh đạt giải.

● Bài chia sẻ từ bạn Lê Mai Hoàng, Giải Kết Nối

Xin chào tất cả các bạn! Mình tên là Mai Hoàng, mình là học sinh lớp 11 tại một trường THPT ở Thành phố Đà Nẵng. Mình tham gia cuộc thi này với mục đích nói lên những suy nghĩ và trăn trở của mình trong suốt quãng thời gian cấp 2 cho đến tận bây giờ, nên bài viết có thể sẽ hơi dài nhé!

Theo các bạn, thế nào là giỏi? Là đứng nhất lớp, đạt giải nhất môn Toán hay một tấm bằng IELTS 8.0?

Đúng, mình nghĩ như vậy là giỏi. Hay như những bạn có năng khiếu và đạt được thành tích cao trong môn thể thao nào đó hay có đam mê nghệ thuật và có thể vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp, theo mọi người như thế có gọi là “giỏi” không? Mình không biết ý kiến các bạn như thế nào, nhưng với mình thì các bạn ấy cũng rất giỏi. Vì các bạn ấy đã tìm thấy được đam mê, sống thật với chính bản thân mình trong cái đam mê đấy, và còn có thể thực hiện nó một cách xuất sắc thông qua các giải thưởng.

Nhưng đáng tiếc, khái niệm “giỏi” của một số bậc phụ huynh và các bạn học sinh có xu hướng thu hẹp với 1 chữ “học”. Có một câu châm ngôn khuyết danh là: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời thì con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”, vậy nên các bạn đừng bao giờ đánh giá người khác bằng khái niệm “giỏi” của chính mình nhé. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Có bạn hát rất hay, nhưng lại không học tốt môn Hóa.

Khả năng trong một lĩnh vực nào đó không đủ để định nghĩa giá trị cốt lõi của con người.

Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh vẫn đang áp đặt cái khái niệm “giỏi” theo nghĩa hẹp đấy lên con cái của mình; và ngay cả các bạn học sinh vẫn còn sử dụng khái niệm đó để tự hành hạ bản thân và áp đặt lên các bạn xung quanh. Với họ, “giỏi” chỉ đơn giản là học tập tốt, thành tích cao và giải thưởng. Mình không phủ nhận điều đó, nhưng nó quá hạn hẹp, dẫn đến một áp lực vô hình đang đè nặng lên vai các bạn, một số bạn vì định kiến đó mà bỏ dở đam mê của mình và bắt đầu tham gia vào một cuộc đua vô hình với các bạn cùng trang lứa, đó là: peer pressure (áp lực đồng trang lứa).

Theo tờ Báo Mới, hiện tượng “peer pressure” xảy ra khi bạn chịu ảnh hưởng bởi nhóm bạn cùng tuổi, các bạn cùng lớp hay đồng nghiệp. Nó hiện diện từ sâu trong tiềm thức, khiến cho bản thân chúng ta làm những phép so sánh giữa bản thân và những người đồng lứa tuổi. Từ đó làm nảy sinh những áp lực và cảm xúc buồn bã không đáng có.

Quan điểm hạn hẹp về chữ “giỏi” cùng với “áp lực đồng trang lứa” cộng thêm nền giáo dục đặt nặng kiến thức ở Việt Nam, đã khiến cho các bạn học sinh ngày đêm chạy theo các cuộc đua với các bạn cùng trang lứa. Sáng học trên trường, chiều học thêm, tối học bài đến tận khuya, vậy mà vẫn thấy chưa đủ. Có bạn một môn tận hai lớp học thêm, lớp để học, lớp luyện đề. Tất cả các bạn học sinh và phụ huynh ngầm hiểu rằng, nếu không đi học thêm chắc chắn sẽ bị bỏ xa so với các bạn khác. Chính bản thân mình cũng thấy như vậy, trên lớp dạy và cho bài tập khá đơn giản hoặc hơi nâng cao chút, nhưng đi thi thì đề vừa dài vừa lạ, đúng kiểu “học rồi nhưng mà đề lạ quá”. Thế nên, các bạn đã lao đầu vào học, vì muốn theo kịp bài trên trường, được công nhận là “giỏi”, không muốn thua thiệt với bạn bè (đúng thôi, đã gọi là cuộc đua thì ai chẳng muốn thắng).

Cũng chính vì cái ”giỏi”, mà một số bậc cha mẹ áp lực con mình phải bằng bạn A, bạn B mà mẹ vừa xem trên TV, hay thủ khoa khối D trên báo, nhưng các phụ huynh vẫn không biết rằng đã vô tình đặt lên con mình một gánh nặng khi nó mới tuổi ăn tuổi học.

Có bạn học cũng chỉ để cha mẹ hài lòng, mẹ bảo học thêm lớp nào thì nghe lời học lớp đấy, không dám than một câu dù bản thân rất mệt.

Nhưng các bạn biết không, chúng ta đã bỏ qua việc rèn luyện các kỹ năng mềm, hay tham gia các hoạt động ngoại khóa, vì lãng quên tầm quan trọng của việc rèn luyện các kỹ năng. Với mình, rèn luyện kỹ năng và học tập nó quan trọng như nhau, không hơn không kém.

Sau đây là một bài khảo sát về tiêu chí của một con người mà UNESCO đưa ra: Kiến thức, kỹ năng và thái độ, với tỷ trọng là kiến thức chỉ là 4%, trong khi đó còn lại 96% là của kỹ năng và thái độ. Các trường đại học như RMIT hay VINUNI, khi xét học bổng, họ đánh giá cao các bạn có nhiều kiến thức xã hội và kỹ năng hơn là các bạn chỉ có thành tích học tập tốt. Cũng đúng thôi, Toán-Lý-Hóa sẽ không theo bạn suốt đời, chỉ có kỹ năng mới giúp bạn được mọi thứ. Nếu bạn không giỏi văn nhưng có khả năng viết lách, hãy thử viết sách về chủ đề gì đó; nếu bạn thành công, bạn có thể nuôi sống mình bằng việc viết sách.

Cuối bài, mình chỉ muốn nói là “nếu các bạn muốn bước ra khỏi cuộc đua vô hình này, hãy tìm ra được giá trị của bản thân mình; chấp nhận bản thân và ngưng so sánh; hiểu và yêu bản thân nhiều hơn; đặc biệt là tìm ra được điểm mạnh của mình và phát triển nó”.

Các bạn nên tham gia cuộc thi “YOU SPEAK – WE LISTEN” này, nếu bạn ngại thì hãy thử bỏ qua suy nghĩ thi đua đi, chỉ cần biết rằng bạn nói và có người nghe

🍀Let your voice be heard!

Đôi lời nhắn nhủ từ Edutour

Cảm ơn bạn chia sẻ quan điểm và gợi lên nhiều suy nghĩ cho người đọc. Điều bạn chia sẻ phần nào cho thấy bạn quan sát tốt, nghiên cứu kỹ lưỡng, có khả năng lập luận và góc nhìn đa chiều. Chúng mình rất cảm động vì bạn đồng cảm được những giá trị mà đội ngũ thực hiện chương trình Hãy Nói Lên: You Speak We Listen muốn trao đi. Chúng mình ở đây để lắng nghe và hỗ trợ bằng sự chân thành.

Hiện tượng “peer pressure” bạn nêu trong bài viết có thể sẽ gợi mở cho mọi người bắt đầu tìm hiểu thêm và có cái nhìn cởi mở hơn trong việc đánh giá, công nhận bản thân hay mọi người xung quanh. Một góc nhìn khác gợi ý đến bạn rằng, các bậc phụ huynh cũng có nhiều tương đồng với những bạn học sinh, họ cũng có thể chịu ảnh hưởng từ những tác động của xã hội, của hiện tượng “peer pressure”. Hãy cảm thông cho cha mẹ khi mà họ chưa chấp nhận con cái có thể “giỏi theo cách riêng”.

Hãy cảm thông những khi cha mẹ thiếu thông tin và chưa hiểu đúng sự việc.

Hiện tượng “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa) xảy ra khi khái niệm này có phần nào ẩn sâu trong tiềm thức. Người có khuynh hướng “peer pressure’ có thể hay làm những phép so sánh giữa mình và những người cùng trang lứa. Từ đó, tự họ nảy sinh những áp lực và cảm xúc buồn bã mà ‘không hiểu vì sao tôi buồn’. Để bước ra khỏi cuộc đua vô hình và đầy áp lực này, hãy tìm được giá trị của bản thân; chấp nhận bản thân và dừng so sánh; hiểu và yêu bản thân nhiều hơn; đặc biệt là tìm được điểm mạnh của mình, tập trung rèn luyện và phát triển trong trí tuệ và tình yêu sâu sắc.

Cũng như là, học tập không phải là con đường duy nhất, nhưng là con đường gần nhất để có được kiến thức đúng đắn. Thông qua đó rèn luyện chuyên môn, thái độ và các kỹ năng khác để bước đến hạnh phúc và thành công.

Kiến thức đúng đắn chính là nền tảng vững chắc cho mọi thứ.

Tham khảo: Kết hợp cả hai khía cạnh Kiến thức (lý thuyết) & Thực tiễn (thực hành, trải nghiệm) trong sự cân bằng là 50% & 50%. Điều này sẽ giúp bạn có những trải nghiệm tuyệt vời và tìm thấy ý nghĩa trong việc học hỏi

Chúc bạn bước tiếp hành trình của chính mình với nhiều niềm vui và hạnh phúc!