Trẻ em cần Smart

Thời gian này, bọn trẻ của chúng ta đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm, tùy theo trường, nhưng phần lớn là các con đang bắt đầu ôn tập và khoảng 1-2 tháng cuộc thi cuối kết thúc một năm học sẽ đến. Cũng là khoảng thời gian cần thiết để tìm kiếm một số công cụ kỹ năng áp dụng cho quá trình học được tốt hơn.
Sau kỳ thi, một năm học mới tiếp tục sẽ còn không xa nữa. Vậy thì, đây chính là thời điểm thích hợp để ba mẹ giúp các con xác định mục tiêu học tập, thi tốt cuối kỳ và đặt mục tiêu mới cho năm sau. Các con cũng sẽ thấy hào hứng khi cùng được tham gia vào việc của chính các con.
CON HÃY LÀ NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHÍNH VỚI MỤC TIÊU ĐỀ RA
Sẽ không có đúng và không có sai với những mục tiêu được đặt ra. Quan trọng hơn cả là chỉ ra cho con trẻ thấy trẻ là người chịu trách nhiệm chính với mục tiêu học tập của con. Ba mẹ đừng ép buộc trẻ theo những mục tiêu, mong muốn của chính bạn mà cần nhớ không ai khác có thể chịu thay trách nhiệm của chính mình. Xây dựng tinh thần trách nhiệm và trao trách nhiệm cho con là cách giúp con trở nên chủ động hơn và sáng tạo hơn với những chọn lựa để hoàn thành mục tiêu.
TRẺ NÀO CŨNG CẦN SMART
Trẻ nào cũng smart (tạm dịch: thông minh) và trẻ nào cũng cần SMART.
Thuật ngữ này khá quen dùng với những người làm việc trong các tổ chức, tập đoàn toàn cầu, công ty kinh doanh. Cho dù con chỉ mới vào lớp Một, cho dù con có thiên hướng nghệ thuật, thiên hướng về toán học, hay thiên hướng về khoa học,… thì SMART vẫn có ý nghĩa với con trong suốt quá trình học hỏi và phát triển. Khi con đặt mục tiêu năm học mới, bạn có thể dựa theo mô hình SMART để hướng dẫn.
SMART viết tắt từ bốn chữ tiếng Anh:
S – Specific: Mục tiêu cần phải cụ thể
Nếu con đặt mục tiêu không cụ thể, con sẽ mơ hồ và mông lung, không biết sau đó cần phải làm gì.
Chẳng hạn, nếu con muốn cải thiện về môn toán của mình, bạn xem giữa hai cách đặt mục tiêu sau, cách nào sẽ cho con bức tranh rõ ràng hơn.
Cách 1: Con muốn giỏi toán.
Cách 2: Con muốn cải thiện về phép nhân cho 4 chữ số..
Cách số 2 sẽ giúp con xác định được rõ điều mình cần phải hoàn thành là gì.
M – Measurable: Mục tiêu phải đo lường, đánh giá được
Con sẽ bối rối, không biết bản thân đã thực hiện được mục tiêu đề ra hay chưa nếu con không chỉ ra rõ làm sao đánh giá được kết quả khi đặt ra mục tiêu.
Bạn thử so sánh giữa câu 1 “Con sẽ giải được các bài toán phép nhân cho 4 chữ số” và câu 2 “Con sẽ đạt điểm 8 trong hầu hết các bài kiểm tra về phép nhân cho 4 chữ số”.
Câu số 2 sẽ giúp đánh giá được kết quả của việc thực hiện mục tiêu của con.
A – Attainable: Mục tiêu có thể đạt được
Con sẽ nản lòng hoặc bỏ cuộc nếu mục tiêu đặt ra vượt quá khả năng của con. Vì vậy, bạn cần phân biệt giữa mong muốn của bạn với khả năng đạt được của con. Hãy trao cho con chịu trách nhiệm và quyền quyết định về kết quả con hướng đến. Và hãy giúp con lập được mục tiêu có thể thực hiện được, không quá dễ hoặc cũng không quá khó.
Bạn nghĩ xem, nếu kết quả hiện tại của con là điểm 5 trong các bài kiểm tra toán và mục tiêu mới là điểm 9 thì sẽ gây áp lực cho con rất nhiều, dẫn đến đuối sức rồi bỏ cuộc. Vậy nên chăng chia nhỏ mục tiêu theo từng giai đoạn, nâng điểm lên thành 6.5-7.5 rồi dần dần sẽ là 8-9. Khi đó con sẽ thấy được thành quả của mình trong tầm tay. Nếu mục tiêu quá dễ, ví dụ nâng điểm lên thành 5.5 hoặc 6, con sẽ không thấy sự nỗ lực cần thiết phải có để đạt được.
R – Realistic: Mục tiêu phải thực tế
Đương nhiên con cũng không hoàn thành được mục tiêu nếu khi đặt ra thiếu tính thực tế.
Bạn có thấy rằng mỗi ngày đi học, khối lượng bài tập về nhà của con quá nhiều không? Nếu để cải thiện được điểm số kiểm tra toán lên 6-7 mà con phải hoàn tất 20 bài toán mỗi ngày thì thật quá sức làm việc của con bên cạnh bài tập của những môn khác. Vậy thì hãy giúp con chọn con số phù hợp với thực tế, cụ thể là quỹ thời gian của con trong một ngày.
T – Timely: Mục tiêu phải có thời hạn hoàn thành
Con cũng cần phải đặt ra thời hạn hoàn thành mục tiêu. Không thể đặt ra mục tiêu không có thời gian phải hoàn tất. Thời gian cũng là một thước đo hiệu quả của mục tiêu vì thông qua đó sẽ đánh giá được mức độ quyết tâm, nỗ lực, kiên trì, bền bỉ của con bạn.
Bạn thử xem là con muốn cải thiện về toán với kết quả kiểm tra từ 5 lên 7 và thời gian là 1 năm học, Vậy thì đây là một mục tiêu không thực tế và không tạo động lực cho con và không rèn luyện cho con sự quyết tâm và nỗ lực.
Một phụ huynh đã chia sẻ rằng khi con cô ấy được 10 tuổi, cô ấy mới thực sự quyết tâm giúp con thực hiện các mục tiêu theo SMART. Hiện tại con của cô ấy 15 tuổi và em ấy có sự tự chủ học tập và tự đặt mục tiêu học cho mình rất tốt. Hãy ứng dụng SMART cho con bạn càng sớm ở tuổi đi học, con bạn sẽ càng sớm hình thành thói quen đặt mục tiêu cho suốt chặng đường còn lại trong quá trình phát triển.
Elsa
Image by 14995841 from Pixabay